BLOG CHIA SẺ

[Chia sẻ] Nền tảng gia đình và “Con đường học vấn”

-> Một buổi tọa đàm về chuyện học hành của con cái cực chất
Tối qua, dù bận, tôi cũng như nhiều phụ huynh vừa tan giờ làm việc, về nhà cơm nước là vội vàng đến tham gia buổi tọa đàm “Con đường học vấn” do thầy Giang Nguyễn, The Ivy League Vietnam tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 3 diễn giả Giáo sư Trần Xuân Bách, ĐH Y Hà Nội và ĐH John Hopkins Hoa Kỳ, Giáo Sư Quân Mai, GS Xã Hội Học ĐH Rutgers Hoa Kỳ. thầy giáo Giang Nguyễn, GĐ TT The Ivy League Vietnam, từng học Luật tại trường Boston Hoa Kỳ.
Hai bạn Cốm và Miu được tham dự và bị cuốn hút theo những chia sẻ rất đời, rất phủi, giản dị không hàn lâm “đao to búa lớn” của 3 diễn giả từng tốt nghiệp các trường ĐH danh giá của Hoa Kỳ, Canada.
Thực sự ngạc nhiên khi tôi đến đúng giờ mà có đến hơn 700 phụ huynh và học sinh đã ngồi kín hội trường, khác hẳn các buổi tọa đàm mà đến giờ vẫn còn nhiều chỗ trống.
Các diễn giả đã chia sẻ với các PH và HS về con đường học tập, những khó khăn, những vất vả, sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đạt được những thành tựu ngày hôm nay. Đây cũng là dịp để các bậc phụ huynh được giải đáp những thắc mắc và định hướng về con đường học tập lâu dài của các con em mình.
Và với đặt hàng của báo Tuổi trẻ TĐ, tôi đã viết vài dòng cảm nhận về buổi tọa đàm này:
1. Bố mẹ không thể thực hiện hộ giấc mơ của con
Nghe tên tọa đàm, thoạt đầu tôi cảm giác đề tài mênh mông quá, tưởng như chỉ phù hợp với các sinh viên, thạc sĩ chuẩn bị chinh phục các chân trời khoa học với những kiến thức, lý luận hàn lâm nhưng thực ra, đây là cuộc trò chuyện thực sự, không phô trương, hàn lâm của 3 diễn giả với các phụ huynh và học sinh về chuyện học hành, về “tuổi thơ dữ dội”, về học Tiếng Anh, du học Mỹ. Tọa đàm do thầy Giang Nguyễn và các cộng sự The Ivy League tổ chức đã là cầu nối cho chính thầy và 2 giáo sư chia sẻ nhiều điều giản dị, sâu sắc, giúp cho nhiều phụ huynh vượt qua giới hạn bản thân mình về chuyện định hướng học hành cho con cái.
Thầy Giang Nguyễn cũng như 2 giáo sư đã chỉ ra rõ căn bệnh của tôi cũng như nhiều phụ huynh là muốn hoạch định và chỉ đạo ước mơ của con cái thay vì đồng hành để các con tự tìm ra con đường cho chính mình. Có một điều chắc chắn rằng, dù hiện nay nhiều gia đình rất chăm lo học hành cho các con nhưng chắc chắn rằng, bố mẹ không thể thực hiện thay giấc mơ cho con. Tại sao bố mẹ thường băn khoăn rằng con mình dường như chưa quyết liệt tìm ra mục tiêu trong học tập dù đã học cấp 3 nhưng thầy Giang chia sẻ rằng, nếu đặt vị trí mình vào các con thì xưa chúng ta cũng vậy, GS Bách cũng đến khi làm tiến sĩ mới đi Canada, thầy Giang cũng sau khi được giữ lại làm giảng viên rồi mới đi Mỹ học Kinh tế, rồi chuyển sang học luật… Nghĩa là cứ đồng hành cùng con đi, học ngành gì, thay đổi ra sao, trong nước hay du học thì rốt cuộc, các con sẽ phải tự tìm ra con đường cho mình.
Tôi đã đi dự hàng chục cuộc hội thảo của các Bộ các ngành về giáo dục, tham gia nhiều buổi tọa đàm về định hướng học tập cho con, con đường du học… nhưng quả thật, đây là một trong số những buổi tọa đàm hiếm hoi trong thời gian qua không dùng các cụm từ “đao to búa lớn” như nền giáo dục trong bối cảnh 4.0, cái cách giáo dục, công nghệ giáo dục, tiếng Anh bước ra toàn cầu… Tuy chỉ là những chia sẻ giản dị cũng giúp phụ huynh và học sinh mường tượng ra con đường học vấn bản chất không có công thức chung cho bất cứ ai. Hãy cứ để con được dò giẫm, được thất bại và được thử thách.
Thầy Giang Nguyễn đã không sai khi cho rằng GS Trần Xuân Bách và GS Quân Mai chính là: “Những người Thầy trẻ và tâm huyết đã đốn hạ bao trang sách và trái tim xanh…” Khá nhiều học sinh và phụ huynh có mặt tại tọa đàm bất ngờ khi GS Quân Mai, thầy Giang Nguyễn, những người từng học tại các trường đại học nổi tiếng bậc nhất thế giới đã chia sẻ những chuyện học hành đầy vất vả, thử thách với những khác biệt văn hóa nơi xứ người. Dù khi giành được các học bổng tại Mỹ, Canada và cả 3 vị diễn giả đều đã rất giỏi tiếng Anh với các chứng chỉ SAT, Toefl hay như thầy Giang Nguyễn trước khi sang Mỹ đã từng làm dịch giả, giáo viên đại học nhưng thời gian đầu đặt chân đến Mỹ tất cả đều không dễ dàng để nghe hiểu, giao tiếp với người bản xứ. GS Quân Mai, GS Xã Hội Học ĐH Rutgers Hoa Kỳ.cho rằng; “Khi đi du học Mỹ, dù bạn có các chứng chỉ Ielts 8.0, điểm cao các chứng chỉ SAT, Toefl cũng không nói lên điều gì, phải mất 3 tháng, 6 tháng, thậm chí 1 năm mới có thể nghe và hiểu hết mọi người xung quanh nói gì. Nếu bạn nào vừa đi du học được 1, 2 tuần mà điện thoại về nói với bố mẹ là con đã hòa nhập được ngay, nói chuyện với người Mỹ như bình thường thì đó là nói dối. Sự khác biệt văn hóa, sốc văn hóa là điều khó tránh khỏi, nhưng với sự cố gằng, mọi chuyện sẽ qua”.
2. Hãy tạo động lực cho con với nền tảng văn hóa gia đình
PGS.TS Trần Xuân Bách, 35 tuổi, giảng viên Viện Đào tạo Y tế dự phòng, Trường đại học Y Hà Nội, được bổ nhiệm chức danh giáo sư kiêm nhiệm của Đại học Johns Hopkins, Mỹ cho rằng, yếu tố để phát triển của đứa trẻ chính là động lực. Vì vậy, các phụ huynh hãy luôn duy trì cho con động lực bằng các thử thách khó khăn. Để duy trì động lực cho con, đôi khi bố mẹ phải không kỳ vọng quá nhiều để con được thất bại và giúp con hiểu rằng, thất bại như những viên sỏi bỏ túi giúp cho con có động lực để thực hiện những ước mơ.
PGS Bách từng bảo vệ thành công luận án tiến sĩ loại xuất sắc tại Đại học Alberta, Canada năm 2011 và được phong học hàm PGS năm 2016 tại Việt Nam, khi mới 32 tuổi, năm 2018, anh được bầu vào Hội đồng điều hành Viện Hàn lâm Khoa học trẻ toàn cầu, thuộc Viện Hàn lâm quốc gia Đức, năm 2019, được bổ nhiệm làm GS kiêm nhiệm tại Đại học Johns Hopkins, Trần Xuân Bách xây dựng các chương trình thực hành sức khỏe toàn cầu tại Việt Nam cho các bác sĩ và nghiên cứu sinh tại Đại học Johns Hopkins và Trường đại học Y Hà Nội. Thế nhưng, khá nhiều phụ huynh và học sinh bất ngờ khi GS Bách chia sẻ, trước khi đạt được những thành tựu trong nghiên cứu về khoa học như vậy, anh cũng có một xuất phát điểm trong một gia đình rất bình thường. Hồi nhỏ, Bách còn nhớ, mẹ anh cũng thường xuyên phải đi vay tiền để đóng tiền học thêm nâng cao cho con trong những năm học phổ thông. Tuy nhiên, có một điều mẹ không bao giờ kêu ca, phàn nàn về những khó khăn đó và luôn động viên con phải học giỏi, hãy đứng đầu lớp môn toán trong suốt những năm tháng tuổi học trò. không nên giới hạn những khó khăn của bản thân và hãy coi đó là những thử thách phải vượt qua., đó là những gì mẹ và gia đình GS Bách đã truyền động lực cho anh từ khi còn nhỏ.
Điều quan trọng để tạo nên sự thành công của con trẻ chính là nền tảng văn hóa gia đình chứ không chỉ là những thành tích về điểm số và các chứng chỉ tiếng Anh. Thay vì để các con giới hạn trong những bước tường, những bài toán khó, những bài học trên lớp hãy cho con ra ngoài tự do khám phá những gì mình thích. Đó chính là động lực cho những giấc mơ, cho “con đường học vấn” trong tương lai. Đó là những gì phụ huynh cảm nhận được sau buổi tọa đàm ý nghĩa này.
Thanh Hải

Tài liệu liên quan

Bình luận (0 bình luận)
Contact Me on Zalo