BLOG CHIA SẺ

[Chia sẻ] CHUYỆN TRƯỜNG CHUYÊN

(copy từ fb chị Minh)

Tôi là một học sinh chuyên, thuộc loại gà nòi, được thầy cô chăm chút, cưng chiều (và cả mắng mỏ rất nhiều) suốt những năm học phổ thông. Và tôi đã thật biết ơn khi mình đã từng được là học sinh chuyên.

Học chuyên Văn từ lớp 7, chúng tôi không phải học đi học lại những bài trong sách giáo khoa. Chúng tôi được đọc rất rộng (mà không có ai ép buộc). Từ khi học lớp 7, chúng tôi đã đến thư viện tỉnh và đọc Alexandre Dumas, Hugo, Balzac, Flaubert, Standal, Verne, Charles Dickens, chị em Bronte… chưa kể gần như tất cả các tác phẩm của các nhà văn Việt Nam quen thuộc trong sách giáo khoa. Thói quen đi thư viện gần như hàng tuần và đọc tất cả những thứ mình tò mò (thời đó tôi thích Einstein và Stephen Hawking, mê tử vi, tướng số, các loại bói toán, tò mò về Phật giáo, mê các tài liệu về nghiệp vụ báo chí), vượt ra ngoài mục đích thi cử đã thực sự là một thứ đã định hình nên con người tôi sau này.
Chúng tôi cũng không bị bắt học thuộc lòng văn mẫu, và tôi chưa từng biết đến văn mẫu là gì. Tôi thường được điểm cao, thậm chí luôn đứng đầu, vì có cách nghĩ và cách viết không giống ai. Tôi có quyền chê thơ Xuân Diệu và Tố Hữu sau 1945 là rất dở mà vẫn được chấp nhận.
Tôi cũng không cảm thấy áp lực gì khi đi thi. Trong gia đình, bố mẹ tôi không có một chăm sóc đặc biệt nào ngay cả khi tôi bước vào những kì thi quan trọng nhất, thậm chí lần đi thi quốc gia còn bị hỏng xe đạp giữa đường, phải mượn xe của bác sửa xe để đến trường.
Tôi thực sự đã biết ơn các thầy cô trường chuyên. Và có thể nói, tất cả những phẩm chất mà tôi có được ngày nay, phần lớn là nhờ công của các thầy cô.
Thời nay, bản chất của thi cử và trường chuyên có thể đã thay đổi. Sự biến đổi của trường chuyên cũng như sự đa dạng hóa các loại hình trường học, sự nâng cấp của các trường công cả về cơ sở vật chất và chất lượng trong những năm gần đây, đặc biệt là sự tham gia của trường tư thục, trường quốc tế vào trong hệ thống giáo dục đã khiến cho trường chuyên không còn là lựa chọn duy nhất. Nhưng trường chuyên vẫn rất nóng. Chuyện học hay không học, luyện lò, đỗ trượt vẫn là những tin tức thời sự, và đằng sau nó là biết bao hỉ nộ ái ố của cả phụ huynh, học sinh lẫn giáo viên. Công nghệ luyện chuyên đã không đơn thuần là câu chuyện giáo dục, mà còn là một ngành kinh doanh hái ra tiền.
Là một người mẹ, khi con có nguyện vọng thi chuyên, tôi đã rất ủng hộ, mặc dù cũng có lúc con hoài nghi khả năng của mình, có lúc con nản chí, lười biếng. Nhưng việc theo đuổi một môn học mà con thích, với những thầy cô giỏi, bạn bè tốt, với vô vàn những bài tập thách thức, vượt ra ngoài khả năng của con đã mang lại cho con một số phẩm chất như sự kiên trì, vượt khó, nỗ lực. Đi học về, tôi thường thấy con rạng rỡ, hào hứng kể về thầy, về các bạn. Những gì con học trong quá trình chuẩn bị cho kì thi giúp con có một tầm nhìn vượt ra khỏi không gian của lớp học.
Nhưng tôi cũng biết cánh cửa vào trường chuyên rất hẹp, và trượt là chính chứ không mấy bạn vượt được vũ môn. Nên tôi cũng chuẩn bị sẵn cho con một trường học phù hợp, vừa sức. Tôi cho con thoải mái theo đuổi ước mơ của mình, dù đó là một ước mơ viển vông hay thậm chí không tưởng, vì chẳng có gì sai khi một đứa trẻ biết ước mơ, vì thứ đẹp nhất trong cuộc sống này chính là ước mơ. Chẳng hay ho gì khi một đứa trẻ tự thu mình lại trong một mục đích thực dụng và vừa sức, vì chẳng bao lâu, khi chúng trưởng thành và bước vào cuộc sống, những ước mơ sẽ sớm bị dập tắt và cái bày ra trước mắt chúng ta chỉ là những toan tính tầm thường. Nhưng tôi cũng luôn cho con một tấm lưới đủ an toàn để nếu mơ ước không thành, con cũng có một đường lùi để thấy rằng, cuộc sống không bao giờ chỉ có một con đường duy nhất. Con thoải mái ước mơ, nhưng con cũng được quyền thất bại.
Quyền thất bại có lẽ cũng là một quyền quan trọng của trẻ. Với một cơ thể và trí óc chưa hoàn thiện, vẫn đang lớn dần lên từng ngày, với những trải nghiệm ít ỏi trong một thời gian sống chẳng đáng bao nhiêu trong cuộc đời này, thì con chúng ta có quyền được vấp ngã và thất bại, có quyền chưa hoàn hảo, không hoàn hảo. Và tôi nghĩ, cuộc đời sở dĩ thú vị vì chúng ta chẳng bao giờ hoàn hảo, vì có một cái gì đó luôn vẫy gọi chúng ta tiến về phía trước, vì luôn có một cái gì đó để chúng ta học hỏi và cố gắng.
Hơn nữa, thất bại trong một kì thi, nếu nhìn rộng ra, khó có thể nói là một thất bại. Nếu nhìn trong hành trình rộng lớn của một đời người, nó đơn thuần chỉ là một bài học. Vì thế, vấn đề đặt ra không phải là con đã sai lầm và kém cỏi chỗ nào, con đã thiếu cố gắng ở đâu, mà là con cảm thấy thế nào và học được gì từ trải nghiệm này. Đó có thể là một cú hích để tạo nên nội lực và bản lĩnh, cũng có thể là một cú đánh tàn nhẫn để dập tắt mọi niềm tin và hi vọng, tùy theo việc chúng ta cắt nghĩa nó, ứng xử với nó. Mỗi sự kiện xảy ra trong cuộc sống vốn không có một bản chất. Bản chất của nó là do chúng ta tự đặt ra, mà phần lớn là theo những khuôn mẫu được tạo dựng bởi xã hội.
Trong một khoảng hành lang rộng giữa một ước mơ viển vông nhất và một tấm lưới an toàn nhất đó, cả gia đình tôi đã có một chuyến du lịch vui vẻ qua tất cả các kì thi. Con tự bắt xe bus đi thi mà không cần đưa đón, và kết thêm được nhiều bạn mới trên đường đi cũng như trong phòng thi. Con tự xoay xở khi quên giấy tờ, thiếu đồ dùng học tập. Con tự tìm đường về nhà và hào hứng kể về những việc diễn ra khi đi lòng vòng qua tất cả các phương tiện từ xe ôm, xe bus đến tàu điện để trở về nhà, gặp đủ mọi kiểu người từ một bác grab già láu cá đến một anh grab sinh viên bách khoa tử tế. Con gặt hái một số thành công và cũng nếm vị đắng của thất bại. Con khám phá ra nội lực của mình khi chiến thắng được những đề thi rất khó. Con hồ hởi chúc mừng chiến thắng của thằng bạn thân, trong khi mình thi trượt. Và con cũng tự hào vì mình đã có một số chiến thắng ngoài mong đợi. Con ngày càng cảm thấy tự tin hơn vào bản thân mình. Cả nhà chúng tôi đã háo hức chờ đón mỗi khi con ở phòng thi trở về nhà như xem một bộ phim hành động mà con là người hùng dấn thân vào hết cuộc phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác. Không có sự hậm hực hay ghen tị khi người khác hơn mình. Không có áp lực nhất định phải chiến thắng. Không có sự kèm cặp chăm sóc khác thường khiến con bị áp giải đến phòng thi như một tù nhân. Chúng tôi cảm thấy mình đang chơi một game thực tế lớn mà mỗi phút giây đều là một trải nghiệm đáng giá. Và tôi có cơ hội nhìn thấy con mình trưởng thành lên, tự tin hơn, có bản lĩnh hơn qua chuỗi ngày thi cử.
Cuộc sống vốn không có một lộ trình duy nhất. Hãy nhìn hệ thống những con đường chằng chịt trên trái đất, bạn sẽ thấy nó có vô vàn nhánh rẽ, và rồi ai cũng có một đường nào đó để đi. Hãy nhìn một khu rừng, cây to cây nhỏ đều có thể sống. Hãy nhìn vào sự đa dạng của các loài, không một con vật nào không được ban cho một vũ khí để có thể sinh tồn. Hãy nhìn vào chính cuộc sống của bạn và những người xung quanh bạn, nào có ai hoàn hảo, tuyệt đối hạnh phúc hay thành công? Chẳng phải tất cả chúng ta đều sống một cuộc đời không bao giờ toàn hảo, luôn có những khiếm khuyết, luôn có những hối tiếc và day dứt, luôn có những vấp ngã và những quyết định sai lầm. Ngay khi chúng ta vừa vui mừng tột bậc, cảm giác lo lắng đã sớm ập đến. Ngay khi ta vừa vượt qua một chướng ngại vật, một thách thức khác lại ở đâu mọc ra. Vậy thì bạn ạ, nếu toàn hảo chẳng qua chỉ là một ước mơ viễn tưởng, thì cứ mở rộng lòng khoan thứ của bạn để thưởng ngoạn mọi việc, và chẳng cần đặt ra một mục đích tối hậu nào. Hãy cứ sống, và cho phép con của bạn thưởng thức tất cả những trải nghiệm của chúng trên hành trình cuộc đời của mình, một cách vui thú.
Một ngày nào đó, đứa con, lúc đó đã trưởng thành, có thể nói với cháu của bạn: “Con ạ, ba đã từng là học sinh học kém nhất lớp và trượt vỏ chuối trong một kì thi chuyên. Nhưng con thấy đấy, ba vẫn là một người tử tế. Con hãy cứ ước mơ và vấp ngã và cứ thoải mái nếm trải mọi thành công và thất bại trong cuộc đời. Ba sẽ đỡ nếu con rơi, như ông bà ngày xưa đã từng làm như vậy”.

(copy từ fb chị Hằng)

Mấy hôm rất nhiều chị em hỏi tôi về quan điểm tranh cãi trường chuyên lớp chọn. Tôi bận quá nay tôi mới chia sẻ một chút về quan điểm của tôi.
Tôi là một đứa học trường chuyên lớp chọn, cả tuổi thơ ngập đầu trong sách vở, và có lẽ đúng hơn là đến hết đại học vẫn ngập đầu trong sách vở bởi tôi học song song cùng lúc hai chương trình đào tạo đại học của Việt Nam và chương trình Pháp. Cùng lúc tôi phải bảo vệ luận văn bằng cả hai thứ tiếng.
Hai con tôi tôi không cho học kiểu như vậy nữa. Điều này xuất phát từ khả năng chịu áp lực, tính cách và thời gian tôi có thể dành cho con trong việc đưa đón, đi lại.
Với tôi thì không có sự tuyệt đối đúng hay sai, chỉ có sự phù hợp.
Cá nhân tôi, thời của tôi, để thành công gần như không có cửa gì khác ngoài học (ít nhất trong cái đầu suy nghĩ non nớt của tôi khi đó). Khả năng tự học cũng vô cùng hạn chế, tôi nhớ phải đến đầu những năm 2000 mới bắt đầu có máy tính kết nối internet kiểu dial up. Những năm sinh viên nguồn thông tin duy nhất mà tôi có thể tự học được là sách giáo khoa, sách trong thư viện nhà trường, và báo phát hành hàng ngày. Tài liệu học ngoại ngữ cũng chỉ là sách và băng đĩa tua đi tua lại.
Không chỉ tôi mà tôi nghĩ tất cả mọi người thời đó ai cũng muốn học thật giỏi, vào trường đại học, ra trường kiếm được một việc làm tốt, phấn đấu lên trưởng phòng rồi cao hơn, lương cũng tăng dần đều. Đó được coi là sự nghiệp thành công.
Nhìn vào thời điểm hiện tại, mọi thứ đã thay đổi rất nhiều. Có 1001 cách để có thể tự học mà không cần tới trường lớp. Bây giờ nếu bạn đến những công ty của những người trẻ tuổi, bạn có thể gặp ông giám đốc mặc quần soóc áo phông đi dép tông đi làm. Bạn có thể bắt gặp những người trẻ có thể thành công nhờ một vài kỹ năng như quay phim, chụp ảnh, diễn xuất, vẽ vời.. Họ kiếm được tiền, thậm chí nhiều tiền và tìm thấy ý nghĩa sống đích thực. Người ta nổi tiếng không còn phải phụ thuộc vào báo đài trung ương mà mỗi người đều có thể tự làm một nhà phát hành truyền hình của riêng mình. Anh thợ điện, anh phụ hồ… đều có thể tự biến mình thành người nổi tiếng và kiếm tiền từ việc đó… Một cơ quan với giờ làm chấm công chuẩn chỉ, ăn mặc chỉnh tề không phải là thước đo kiểu mẫu của môi trường làm việc nữa. Bây giờ người ta ngồi tản mát khắp nơi để làm việc, ăn mặc thoải mái theo sở thích… Và nhiều những thứ thay đổi nữa mà tôi không thể kể hết ra ở đây nhưng tóm lại sự phát triển của xã hội kết nối đã làm thay đổi rất nhiều thứ trong đó có cả quan niệm về thành công, hạnh phúc và cách thức kiếm tiền. Có những nghề mới sẽ xuất hiện mà nếu không cập nhật bạn sẽ không bao giờ biết được sự tồn tại của nó.
Để thành công trong xã hội ngày nay, không nhất thiết phải học hành theo trường lớp một cách bài bản. Mọi người hoàn toàn có thể tự học những thứ mình thấy cần bởi phương tiện giúp tự học bây giờ nhiều hơn bao giờ hết.
Vậy học giỏi ở trường lớp còn quan trọng không? Trường chuyên lớp chọn có quan trọng không? Với tôi nó vẫn rất quan trọng. Có những nghề nếu bạn không học bạc đầu lồi mắt bạn không bao giờ làm được. Không ai làm được bác sĩ nhờ tài quay phim chụp ảnh và nhảy nhót, Cũng không ai làm được nhà khoa học nghiên cứu về thiên văn học nhờ tài livestream. Cũng không ai làm được luật sư nhờ chỉ ngày ngày lên mạng chia sẻ về món ăn.
Có những nghề phải học và học rất nhiều, rất giỏi mới được.
Không một xã hội nào và không khi nào việc học có thể bị coi nhẹ. Có những người không chịu được áp lực của việc học, không có khả năng học với cường độ cao, bố mẹ không thể đưa đón đi từ lò luyện này sang lò lên khác giống như nhà tôi thì ngay từ đầu tôi định hướng con học nhẹ nhàng và học thêm các kỹ năng khác để sau này làm những nghề phù hợp với thực tế học hành đó.
Có những người chịu được áp lực rất cao, rất cày cuốc, học càng khó càng thích, càng áp lực càng thấy nhiều động lực. Những con người này cho học họ vui, học dễ học ít, chơi nhiều mới là làm khổ họ. Bởi họ ham học, học là đam mê. Ngày xưa tôi đi học, chẳng ai cấm tôi đi chơi, nhưng rủ được tôi đi chơi cực kỳ khó vì tôi luôn tiếc thời gian dành cho việc học.
Trong một gia đình mà tôi và các con tôi đã khác nhau. Tôi không cho con tôi học trường chuyên lớp chọn không phải vì tôi không thích. Ai chẳng thích con học giỏi, ai chẳng thích con đi theo con đường mà mình đã từng đi và thấy nó tốt nhưng tôi tìm thấy sự lựa chọn phù hợp hơn cho con tôi và tôi tin đó mới là cách tốt nhất để con tôi phát triển trở thành phiên bản tốt nhất của các cháu. Dù không đi theo cách của tôi từng đi nhưng không ai biết được sau này con tôi và tôi ai hơn ai, về mọi khía cạnh.
Bây giờ có 1000 con đường để thành công, nếu chẳng may con mình không có khả năng chịu áp lực và học giỏi thì các bố mẹ cũng đừng buồn vì cũng có 1000 cách để đi. Nhưng nếu con có khả năng và chịu được áp lực để học theo kiểu nhà nòi, bố mẹ cũng hãy khuyến khích bởi vì có học luôn luôn vẫn hơn. Ngoại lệ nào cũng có nhưng phần trăm người học giỏi thành công, ít vấp ngã chắc chắn vẫn nhiều hơn.
Tôi cho đến giờ phút này vẫn luôn biết ơn những tháng ngày học hành quên cả tuổi trẻ. Nó cho tôi sự vững vàng, tự tin, hiểu rõ những gì mình làm… Nhưng tôi tin thời đó nếu tôi không học được thì với cách dạy dỗ của bố mẹ tôi, tôn trọng quyết định của con, tôi nghĩ tôi cũng sẽ đang sống hạnh phúc theo một cách khác.
Lắng nghe con, bình tĩnh, gần gũi yêu thương con và chịu khó cập nhật với thời đại để giúp con và đồng hành cùng con với tôi là quan trọng nhất. Học hay không học mà thiếu cái đó cũng đều dễ biến sự lựa chọn thành bi kịch.

Tài liệu liên quan

Bình luận (0 bình luận)
Contact Me on Zalo